Thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như một số địa phương trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy liên quan đến hoạt động sản xuất, gia công và kinh doanh giày dép. Hầu như vụ hỏa hoạn nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề. Thế nhưng, công tác quản lý, xử phạt về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với hoạt động này lại đang bộc lộ nhiều bất cập chưa được giải quyết.

Cháy là thiệt hại lớn

Ngày 17-4, vụ cháy kho hóa chất tại Công ty TNHH Tân Hùng Thái tại lô H1, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã thiêu rụi khoảng 500 tấn hóa chất và hàng nghìn mét vuông nhà xưởng, trị giá thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Còn trong năm 2013, vụ cháy xảy ra tại Công ty Pou Yuen, chuyên về giày da tại quận Bình Tân (thuộc Khu công nghiệp Tân Tạo), gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng trong các nhà xưởng. Theo lãnh đạo công ty này, sự việc trên sẽ tệ hại và khó kiểm soát hơn nhiều nếu như đám cháy lan đến kho nguyên liệu và thành phẩm của công ty vì ở đó đều là giày da và các loại hóa chất phụ trợ sản xuất.

Đó là những vụ cháy điển hình liên quan hoạt động sản xuất, gia công và kinh doanh giày da. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ sở tương tự trên địa bàn thành phố vẫn chưa xem đó là bài học để rút kinh nghiệm trong việc PCCC. Khảo sát tại quận Tân Phú, Bình Tân (các địa phương có nhiều cơ sở gia công giày da của thành phố) cho thấy, công tác PCCC gần như bị buông lỏng, chủ cơ sở ít quan tâm công tác này mặc dù nguy cơ cháy nổ vẫn luôn thường trực. Đơn cử như tại một căn nhà mặt tiền ở lô 12 trên đường Tây Thạnh, phường Tây Thạnh (quận Tân Phú), diện tích ước khoảng 100 m 2 , vừa làm nơi sản xuất, gia công, vừa buôn bán cho nên lượng hàng hóa luôn được chất kín cả tầng trệt. Nơi nấu ăn, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình cũng nằm chung trong diện tích này.

Tương tự, hoạt động kinh doanh tại nhiều cửa hàng giày dép cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Điển hình như các cửa hàng giày dép trên đường Lý Chính Thắng, Lê Văn Sỹ (quận 3), các chủ cửa hàng đều xếp hàng hóa ở hầu hết các diện tích trống trong cửa hàng. Lối đi dành cho khách và chủ cửa hàng chỉ còn khoảng 50 cm, nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Sớm điều chỉnh bất cập

Theo Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn về PCCC tại các khu dân cư, địa điểm kinh doanh, đồng thời khuyến cáo các cơ sở sản xuất cần niêm yết nội quy PCCC, biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, tiêu lệnh chữa cháy ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.

Phải ý thức đó là cách tự bảo vệ cho tính mạng và tài sản của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài tình trạng đối phó, thì ý thức về PCCC của người dân chưa thật sự cao. Nhiều chủ cơ sở vẫn rất lơ là, chủ quan, không xem việc PCCC là công việc thường xuyên. Việc tham gia tập huấn về kỹ năng PCCC cũng không được thực hiện cho nên khi xảy ra hỏa hoạn đều rơi vào tâm lý hoảng loạn, không thể tự giải thoát bản thân.

Cũng theo cảnh sát PCCC, trong công tác PCCC, nếu có sự tham gia đồng bộ, thường xuyên của các cấp quản lý cơ sở như quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố... thì sẽ rất hiệu quả vì đây là các cấp quản lý gần gũi với người dân, cơ sở sản xuất nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiệm vụ này lại giao phó hoàn toàn cho các cơ quan chức năng.

Mặt khác, công tác quản lý, xử phạt về lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở kinh doanh giày dép cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử, các cơ sở gia công, kinh doanh giày dép nếu kiểm tra theo tiêu chí "Cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ" thì sẽ có rất nhiều cơ sở nằm trong diện này. Tuy nhiên, các hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao lại chính là thành phẩm để hoàn thiện sản phẩm giày dép, cho nên quy định về các cơ sở giày dép hiện nay đều không nằm trong danh mục "Cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ".

Ngoài ra, Nghị định số 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền mức cao nhất từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi vô ý để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại hơn 50 triệu đồng cũng đưa các cơ sở sản xuất, gia công vào thế khó khi hầu hết đối tượng thiệt hại cũng chính là cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy, nổ...